10/12/2020 - Đăng bởi : Miviko Isotech
MIVIKO VN tại HỘI THẢO “CÔNG NGHỆ VÀ VẬT LIỆU ĐỘT PHÁ TRONG NGÀNH XÂY DỰNG THỜI KỲ HẬU COVID-19”,
Trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế VIETBUILD Hà Nội 2020, chiều ngày 25/11/2020 tại phòng hội thảo của Cung Triển lãm Kiến trúc, Quy hoạch Xây dựng Quốc gia (số 1 Đỗ Đức Dục, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội), đã diễn ra Hội thảo “Công nghệ và xây dựng đột phá trong ngành xây dựng thời kỳ hậu Covid – 19”, do Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Xây dựng. Hội thảo là nơi các chuyên gia về vật liệu xây dựng cùng trình bày và thảo luận về các vật liệu mới và việc ứng dụng chúng vào trong đời sống.
Toàn cảnh buổi hội thảo
Tới dự hội thảo có sự tham gia của ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng; ông Phạm Văn Bắc – Vụ trưởng Vụ Vật liệu Xây dựng, Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Quang – Giám đốc Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng; ông Thái Duy Sâm – Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam; ông Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam; đại diện Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, Hiệp Hội Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Hiệp Hội Tấm lợp Việt Nam; Các Viện nghiên cứu: Viện Vật liệu xây dựng, Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng, Viện Khoa học CN và Kinh tế XD Hà Nội, Văn phòng Thương vụ Ý (ITA) tại TP HCM, các doanh nghiệp Hội viên Hội VLXDVN, các doanh nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng; Đài truyền hình Hà Nội, Đài Truyền hình Nhân dân, Truyền hình VOV, Truyền hình Thăng Long, các phóng viên Báo chí, Tạp chí chuyên ngành cùng sự tham dự của các nhà đầu tư, chuyên gia, nhà khoa học và các nhà tài trợ.
Ông Tống Văn Nga Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng phát biểu diễn văn khai mạc hội thảo
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Tống Văn Nga – Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam, Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng có lời chia sẻ: “Hội thảo hôm nay nhằm giới thiệu một số loại vật liệu xây dựng đã và sẽ được áp dụng vào Việt Nam, không chỉ có tác dụng làm đẹp mà còn an toàn, bền chắc và hơn hết là thân thiện với môi trường, được chứng minh ngay tại hiện trường và thông qua các gian hàng. Rất mong mọi người ở đây cùng lắng nghe và chia sẻ để sớm ứng dụng chúng được vào cuộc sống.”
Hội thảo tập trung vào 7 bản báo cáo chính, lần lượt về “Chiến lược Phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021- 2030, Định hướng đến năm 2050”; Dự án “Trung tâm công nghệ đá cẩm thạch Ý – Việt”; Breton, công nghệ cao – sự đồng hành cho ngành công nghiệp đá; Tenax, chuyên gia xử lý các vấn đề về đá tấm cũng như các dự án ngành đá; về hóa chất Nano chống cháy cho VLXD phù hợp QCVN 06 – 2020; Bột bả sinh thái Eco Putty; Nghiên cứu ứng dụng công nghệ UHPC cho sửa chữa bản mặt cầu thép trực hướng (Cầu Thăng Long – Hà Nội) được các Chủ tịch, Phó chủ tịch và Đại diện Công ty nghiên cứu dự án trình bày. Các dự án được phân tích một cách chi tiết, đem đến cho người tham dự một cái nhìn rõ nét nhất về các loại vật liệu mới như đá cẩm thạch, đá tấm, bột bả sinh thái đạt trên 10 chứng nhận xanh không gây hại cho môi trường,… hứa hẹn một tương lai xanh và ngày càng bền vững cho ngành Xây dựng của Việt Nam.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MIVIKO Việt Nam và thí nghiệm trực tiếp về sơn Nano chống cháy
Cũng tại hội thảo, phần nghiên cứu về hóa chất Nano chống cháy cho VLXD do ông Nguyễn Quốc Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MIVIKO Việt Nam trình bày đã đặc biệt thu hút sự chú ý của những đại biểu đến tham dự thông qua những thí nghiệm trực tiếp tại hiện trường. Những mảnh vật liệu gỗ, bìa các tông, gạch không nung được mang đến đều được phủ một lớp sơn Nano chống cháy trên hai phần ba bề mặt và dùng lửa đốt trực tiếp trong một phút mà chỉ để lại một lớp tro trên bề mặt vật liệu, chứng minh hiệu quả của nghiên cứu mới. Bên cạnh đó, ông còn chia sẻ thêm: “Thứ nhất, từ tháng 9 năm ngoái, MIVIKO đã triển khai xây dựng một nhà máy ở Bình Dương để góp phần hạ giá thành sản phẩm vì hiện nay giá nhập trực tiếp đang quá cao; thứ hai, loại sơn này đã đạt tiêu chuẩn châu Âu và Liên bang Đức, trong quá trình nhập về Việt Nam đã được hợp quy, hợp chuẩn; và thứ ba, trước khi sơn một lớp sơn màu theo yêu cầu của khách hàng thì chúng ta sẽ sơn một lớp sơn chống cháy trước để đảm bảo cho công trình.”
Hiện tại ở Việt Nam, các loại hóa chất, chất phủ nano chống cháy cho gỗ và các loại vật liệu xây dựng khác phù hợp QCVN 06/2020, có ba dòng sản phẩm nổi bật: FIREGREEN là dung dịch nano chống cháy lan cho gỗ nội thất như nhà, cửa gỗ, mái kèo gỗ, ván MDF, Plywood… hay gỗ dùng trong hầm lò, quân sự. FLAMESAVE - 23 là chất phủ nano chống cháy, cách nhiệt cho gỗ. So với FIREGREEN là dung dịch có tác dụng chống cháy lan nhưng không bảo vệ được nguyên vẹn bề mặt gỗ, FLAMESAVE - 23 có thể bảo vệ nguyên vẹn bề mặt gỗ ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa trong thời gian lên đến 60 phút. Cuối cùng FLAMESOFT là dung dịch nano thẩm thấu chống cháy cho vải, mút xốp cách nhiệt…
Với chiết xuất từ thiên nhiên nên an toàn và thân thiện môi trường, nano chống cháy còn góp phần chống mối mọt, côn trùng và các tác nhân phá hại sinh học. Ngấm sâu vào bên trong lớp gỗ, hiệu quả lâu dài hơn 10 năm. Đạt chuẩn chống cháy nhóm 1 (Class A) cho gỗ; Khi bị đốt trực tiếp dưới ngọn lửa thì chỉ bị hóa than vùng tiếp xúc với lửa, còn các vùng khác không cháy. Khi tiếp xúc với lửa sẽ không tạo ra khói đen, ngoài ra cũng không cháy bùng thành ngọn, không cháy bén, không làm thay đổi lý tính và vẫn giữ được mùi thơm đặc trưng của gỗ. Liều lượng thấp, chỉ cần quét một lớp, do đó nâng cao chất lượng gỗ để có thể xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch Công ty Miviko Việt Nam cũng cho biết: Các nguyên nhân cháy nổ đa phần xuất phát từ vật liệu dễ bắt cháy, Bộ Xây dựng đã bổ sung thêm trong quy chuẩn 6-2020 quy định vật liệu sau khi xử lý phải không bắt cháy ngay cả khi tiếp xúc trực tiếp với ngọn lửa trong thời gian lên tới 20 phút, song song với đó phải không thải ra khói độc hay rất ít khói.
Tiến sĩ Nguyễn Quang Cung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam khẳng định: “Trong tương lai, ngành vật liệu xây dựng sẽ là ngành đi theo kinh tế tuần hoàn, không có chất thải và sử dụng chất thải của các ngành khác để sản xuất nguyên vật liệu. Những vật liệu mới, được sản xuất với công nghệ hiện đại bảo vệ môi trường sẽ được các chủ đầu tư lựa chọn nhiều hơn để áp dụng vào các dự án mới triển khai xây dựng.”
Hội thảo kết thúc thành công tốt đẹp, nhiều vật liệu được góp ý hoàn thiện, rút ngắn thời gian ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống, góp phần đem lại cho ngành xây dựng Việt Nam bước tiến mới, an toàn và nhanh chóng.